Tác giả: Trịnh Mạn Thanh
Nguồn: Internet
Biên dịch: Mr. Nguyễn Hoàng Quân
Trịnh Mạn Thanh (1901—1975), là người tinh thông văn hóa truyền thống Trung Hoa: thi, thư, y, họa, quyền, được gọi là “Ngũ tuyệt”. Năm 1928 được Dương Trừng Phủ thu nhận làm đệ tử và dạy Thái Cực Quyền. Trịnh Mạn Thanh đã có đóng góp to lớn trong việc phát triển Dương thức Thái Cực Quyền.
- Thiên một: Ý nghĩa của danh từ
Quyền thuật là môn vận động kiêm thể và dụng, có ích lợi cho trí óc và lòng dũng cảm. Thái Cực là mẹ của âm dương, bao hàm vạn vật. Tên của môn quyền thuật này có ý nghĩa rất sâu xa. Dịch viết: Thái cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi tức âm dương. Âm cực sinh dương. Dương cực sinh âm. Là chân tính của cương nhu động tĩnh, không đấu không dùng tới.
Trong quyền thuật, người có sức thì thích dùng đấu võ, lấy việc thắng bại để phân tài võ thuật cao thấp. Những người thích đấu võ, không ai không dùng lực cương mãnh và tốc độ để khống chế đối phương. Nếu dùng cương lực chống lại thì hai bên sẽ bị thương và cùng bại. Dó không phải là cao thủ. Người dùng cương thì ta dùng nhu hóa. Người lấy động để công, ta dùng tĩnh để đối đãi. Nhu tĩnh đến cùng là cực âm. Cương cực mà gặp âm cực thì không gì không bại. Lão Tử nói: “Nhu nhược thắng cương cường dã”. Tôi nói rằng: “Bắt đầu học Thái Cực Quyền là học bất lợi”. Học bất lợi đến cùng sẽ nhận được điều ngược lại, chiếm được lợi thế nhất. Ví dụ: răng thì cứng mà lưỡi thì mềm. Khi bất đồng thì lưỡi chịu thiệt. Nhưng răng cứng thì gãy, lưỡi mềm thì còn. Tuy nhiên, xưa nay ai học quyền cũng muốn thắng người mà chiếm ưu thế. Nay phải học bất lợi, mấy ai chịu được. Nên biết rằng, khi học bất lợi, dù đối phương dùng lực cực mạnh đánh tới, ta cũng không được dùng chút khí lực nào để kháng cực, chỉ dẫn dắt và làm đối phương thất thế. Khi đó, ta chỉ cần động tay, là đối phương bay ra ngoài một mét. Quyền luận gọi là “hiểu kình”. Hiểu kình rồi, càng luyện càng tinh. Đạt tới tùy tâm sở dục. Trong ứng dụng, nếu chiếm được vị thế cực tiện lợi thì chứng tỏ chỗ vi diệu của môn quyền. Nếu luôn luôn hợp nguyên lý Thái Cực thì công phu đã thành. Từ khi sư tổ Trương Tam Phong sáng lập môn quyền này, đều được thế gian khen ngợi. Từ ngày Mạn Thanh tôi được thầy Trừng Phủ dạy cho tâm pháp, mới hiểu được cái dụng của môn quyền này là dựa vào Thái Cực, chân lý âm dương, cương nhu tương sinh, tương khắc. Không một cái gì là không thấy được sự thực. Môn quyền lấy tên Thái Cực là vì vậy. Người học môn quyền này, không lấy cương chế động làm thượng thừa. Làm cho người yếu trở thành mạnh mẽ, người bệnh thành khỏe, người suy thành vượng, người kém thì mạnh lên. Đó là loại cường thân thể, kiện chủng tộc, là đạo cường quốc. Những người mưu cầu quốc gia và nhân dân khỏe mạnh thì chớ nên quên điều này.