Quyền ý thuật chân – Lời tựa

Tác giả: Tôn Lộc Đường (1860-1933)

(Hình ảnh copy từ internet)

Biên dịch: Mr. Nguyễn Hoàng Quân

Lời tựa

Đạo lấy âm dương làm gốc, vạn vật làm thể. Khi Đạo chưa phát, nó treo trong Thái hư; khi Đạo phát, nó lưu hành trong vạn vật. Đạo chỉ có một. Đối với trời là mệnh, với người là tính, với vật là lý, với võ thuật là nội kình. Vì thế, Nội gia quyền có ba phái là Hình ý, Thái cực, Bát quái, tuy có hình thức không giống nhau, nhưng nói cho cùng, theo lý hoàn hư của Đạo, thì chúng chỉ là một. Dịch viết: “nhất âm, nhất dương vị chi Đạo”. Nếu thiên về âm hay thiên về dương thì đều là bệnh. Cuộc đời con người, ăn uống không điều độ, khí huyết không hòa thuận, tinh thần không phấn chấn, đều là nguyên nhân dẫn đến âm dương không hòa hợp. Do đó cổ nhân đã sáng tạo nên Nội gia quyền để con người tập trung tinh thần mà ngẫm nghĩ, lấy suy tưởng mà hiểu lý lẽ, thân thể luyện tập hợp với Đạo, thì có thể phục hồi tính chất và thể trạng vốn có. Nước ta (Trung quốc) có nhiều môn phái võ thuật, có hình thức khác nhau, vận dụng cũng không giống nhau, cả đời người cũng không nghiên cứu và luyện tập hết được.

Từ bé tôi đã yêu thích luyện tập võ thuật. Hơn 50 năm qua, tôi đã nghiên cứu ba phái quyền thuật có tính chất gần nhau là Hình ý, Thái cực, Bát quái và tôi đã đạt được những yêu cầu cơ bản. Do vậy, tôi muốn viết và xuất bản sách “Hình ý, Thái cực, Bát quái quyền học”. Đồng thời, mang những điều tôi đã được nghe các bậc tiền bối luận quyền, đem vào sách này, mong độc giả hiểu được ý nghĩa chân thực. Ba phái quyền thuật này, tuy hình thức không giống nhau, nhưng lý luận thì tương đồng, cách dùng không giống nhau, nhưng đều lấy việc khống chế trung tâm của địch thủ để giành chiến thắng thì giống nhau. Trong một môn phái võ, các vị tiền bối luận bàn hình thức còn có điểm không giống nhau, vận dụng cũng có điểm khác biệt. Ba phái quyền thuật này khởi đầu thì cùng một lý, rồi sau chia thành ba phái, mà chưa hợp thành một. Ba phái quyền thuật này đều có chỗ độc đáo trong lý luận: Hình Ý Quyền có “thành nhất”, Bát quái có “vạn pháp qui nhất”, Thái cực có “bao nguyên thủ nhất”. Cổ nhân có câu: “Trời được nhất là trong, đất được nhất là vững, người được nhất là linh, đạt được nhất thì vạn sự đủ”. Lý luận của ba phái này đều lấy hư vô làm khởi thủy, lấy hư vô mà kết thúc, do đó mà các vị tiên sinh trong ba phái luyện quyền đạo đều có thể lấy lý luận của Nho, Thích, Đạo là “thành trung”, “hư trung” và “không trung” hợp nhất làm một. Tôi lo rằng các vị tiên sinh đã khổ tâm luyện tập tinh nghệ sẽ dần dần mất đi, nên thuật lại với mọi người. Tôi chỉ e rằng sở học của mình còn nông cạn, mà không phát huy được những điều chỉ bảo tinh diệu của các vị tiền bối. Hy vọng các đồng chí tùy thời mà bồi bổ vậy, để làm sáng tỏ cái Đạo này.

Năm Quí hợi – Dân quốc thứ 12,

Tôn Lộc Đường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *