Phỏng vấn Mike Segment

Nguồn: internet

Biên dịch: thành viên Võ đường Thái cực nội gia quyền

Trọng tâm tập luyện võ thuật của ông là “nội công”, nhưng cụm từ này có thể có bất kỳ nghĩa gì; ông có thể trong một vài từ giải thích “nội công” nghĩa là gì?

Không phải nói “nội công” có nghĩa là gì cũng được. Ban đầu tôi tập Judo và gặp đủ các loại người, và sau đó gặp một người Nhật tập Aikido. Khi ông ta chỉ cho tôi một số thứ tôi nhận ra ông ta đang dùng một loại lực kỳ lạ: [từ đó] định nghĩa của tôi luôn dựa vào/ hướng về những người có thể kiểm soát được loại lực này.

Điều này càng được khẳng định bởi việc có một số người – không phải tất cả mọi người,  nhưng một số người – tương đối thông minh và có chút ít kỹ năng nào đó về thể chất, [khi tiếp xúc với loại lực này đều nói “ồ, cái này lạ thật”, nghĩa là họ cũng cảm thấy [sự khác biệt]. Khi gặp một người không có một dấu hiệu nào của [khả năng dùng lực] này, tôi không cần biết họ biết bao nhiêu bài quyền hay kỹ thuật, nếu họ không biết kiểm soát loại lực này, nghĩa là họ không biết dùng Nội Công. Càng khẳng định thêm điều này, trong nhiều năm [tôi đã gặp] một số người Trung Quốc được công nhận là rất giỏi, và họ cũng nhận ra điều này giống như tôi. Họ chỉ cần ngồi nhìn một ai đó, cũng như tôi – đến một mức độ nhất định, bạn không cần phải chạm vào người đó, chỉ cần xem họ di chuyển – và câu hỏi luôn là :”liệu người này có khả năng dùng lực như vậy không”.

Vậy thì “Nội Gia Quyền”, định nghĩa của ông là gì?

Căn bản là loại lực được sử dụng. Theo cách nói truyền thống thì nội gia quyền dùng “Khí” hoặc “Kình” thay vì “Lực” (sức mạnh cơ bắp). Một bước tiến lớn với tôi là khi nhận ra rằng Khí ở đây không phải là khái niệm Khí vũ trụ thần bí. Tôi nhớ đến một cuốn sách mà tôi đọc khi 18-20 tuổi và đang tập Okinawa Karate: cuốn sách có nhiều phần nói về các loại Khí khác nhau: trong phần “Võ thuật và Khí” tôi nhớ cuốn sách nói ngay từ đầu rằng “trong Nội gia Quyền, Khí được hiểu tốt nhất như là sức mạnh từ đất lên”.

Có các loại lực phụ trợ khác, nhưng đó là luôn là loại lực chính. Và nó được dùng trong mọi cử động, chứ không chỉ trong một cú đánh toàn lực: nhiều môn võ ngoại gia cũng có thể thực hiện một cú đánh toàn lực gần giống hệt như vậy. Khác nhau là ở chỗ người dùng nội gia quyền thuần tuý sẽ dùng loại lực này trong mọi cử động.

Vậy ý nghĩa của Khí ở đây không phải là ý nghĩa truyền thống?

Ngày nay rất nhiều người đã đồng ý rằng trừ phi bạn hiểu về nội dung võ thuật bằng tiếng Trung Quốc, bạn sẽ không thể dịch văn bản/ sách võ thuật. Khi phần lớn các bản dịch mà chúng ta ngày nay đang sử dụng được dịch, không ai hiểu được điều đó, nên khi từ “Khí” xuất hiện, người ta giả định rằng đây là nói về khái niệm Khí theo nghĩa vụ trụ/ triết học. Từ đó đến nay, rất nhiều người đã ủng hộ khái niệm này và tin tưởng vào nó, tuy nhiên chính hai người thầy

[người Trung Quốc]

mà tôi học lâu nhất đều nói [về Khí] theo nghĩa hết sức cơ học và thực tế, và phương pháp tập của họ họ rõ ràng là đang tiếp nối theo truyền thống mà họ được học. Một trong hai người là thành viên của Hội Trần gia Bắc Kinh, và người kia là một bậc thầy được công nhận rộng rãi ở Trung Quốc, nên tôi nghĩ cái gọi là “truyền thống” thực ra phải hiểu là “theo quan điểm của phương Tây”: rất nhiều thứ đã bị làm cho hào nhoáng và bí hiểm, trong khi người Trung Quốc đặc biệt là ở phương Bắc lại có quan điểm thực tế hơn. Thực ra một trong các thầy của tôi sử dụng những thuật ngữ mà tôi không thích vì chúng quá cụ thể/ cơ học: khi tôi nói về Bằng kình thì ông lại bảo “à, phải rồi, dùng lực từ chân ở đây”, và tôi khựng lại vì “lực từ chân”: ông còn đơn giản hơn cả tôi!

Wang Xiang Zhai (Vương Hương Trai???), người sáng lập Ý Quyền, cũng nổi tiếng về cách mô tả bằng véc tơ lực và những khái niệm kiểu đó, ông cho rằng nhiều người bị phân tán bởi những chuyện về Khí, cửu này, ngũ nọ, còn ông thì nói thẳng vào vấn đề. Nên không phải là tôi đang tạo ra một tiền lệ, tôi đang đi theo một tiền lệ: đây là một tiền lệ tương đối không bình thường nhưng kết quả của nó thì khá rõ ràng đối với những ai tin theo nó. Không phải vì tôi là người nói hay, phần lớn những người đến các khoá học [của tôi] vẫn giữ lối tập của họ, nhưng họ thu nhận những thông tin này bởi vì chúng có tác dụng, họ sử dụng chúng theo cách họ muốn, và [thực ra] logic của vấn đề này thì khó có thể phủ nhận được.

Rất nhiều người tập Thái Cực Quyền được công nhận, trong đó có ông, đều có kiến thức từ trước về những môn võ cương mãnh và rõ ràng hơn. Theo ý ông đó có phải là con đường tốt để đạt được Nội Công?

[có], theo nghĩa là một người bắt đầu học võ sẽ có rất nhiều câu hỏi và vấn đề nghi vấn, nên họ dành rất nhiều thời gian mày mò, hoặc [mất thời gian] nghi vấn và đi theo con đường sai. [vì vậy] một người đã có kinh nghiêm [với một môn võ khác] có thể gạt sang một bên phần lớn những vấn đề gây xao lãng [khi tập Thái Cực Quyền??] và tiến thẳng tới cái đích họ muốn, và tôi nghĩ đó là điểm mấu chốt. Một người đã biết chiến đấu sẽ không có những lo lắng và nghi ngờ về bản thân, bởi họ đã trải qua cái đó từ trước, họ không bị xao lãng, và họ theo đuổi đúng cái họ cần.

Anh cũng biết là TCQ thường được mô tả như là một kiểu múa mềm mại, theo kịch bản có sẵn, và chính vì vậy nó không hấp dẫn được nhiều người tập võ thực sự. Nó hấp dẫn những người thích tình huống kiểu một người 50kg đánh ngã kẻ hung hãn 100kg. Nhưng bởi vì những người này không có những kinh nghiệm như đã nói ở trên, họ phí phạm vô số thời gian theo đuổi những vấn đề ngoài lề, và trình độ Thái Cực Quyền thấp nói chung phản ánh thực trạng này.

Ông đã nhiều lần nói rằng những gì ông dạy trong các khoá học không phải là mức độ cao, mà chỉ ở mức cơ bản. Nếu vậy, sao tất cả mọi người đều không làm được những cái đó rồi?

Đây là các nội dung cơ bản, nhưng nó bao gồm thay đổi toàn bộ cách cơ thể di chuyển. [vì vậy] bài quyền TCQ được tập chậm để hạn chế những di chuyển [một cách không có ý thức] của cơ thể. Trong khoá học của tôi người ta nhận ra, để có thể kiểm soát từng vận động một, cần phải thay đổi mọi thứ họ đang làm, và họ không thực hiện được điều đó, hoặc cùng lắm là chỉ thực hiện được một phần. Rất khó có thể thay đổi một cách cực đoan như vậy. Tuy nhiên, luôn có một vài người thấu hiểu được vấn đề, bỏ ra thời gian, kiên trì tập luyện, và họ trở thành thế hệ xuất sắc tiếp theo.

Ông mong đợi người học thu được những gì?

Di chuyển ở mức độ cơ bản bằng cách dùng Kình, hay lực từ đất, để kéo, đẩy, nâng, hoặc [hợp?] lực hơi hướng xuống dưới. Và hiểu được rằng mọi cử động đều là phối hợp của 4 loại lực cơ bản này. Khi đó họ đã bắt đầu đặt một chân vào ngưỡng cửa.

Vì sao ông không có các khoá học nâng cao hơn?

Bước đầu tiên là hiểu được loại vận động này. Sau khi vận động đã chính xác, mới có thể nghĩ đến kỹ thuật, ứng dụng và thêm các loại lực khác. Làm những việc này trước chỉ phí thời gian.

Như vậy không phải là truyền bá TCQ Trần thức dưới một cái tên khác? Những thứ ông dạy là đặc thù

[của TCQ]

đến mức độ nào?

Không hề như vậy. Tôi đã dạy người tập TCQ của Cheng Man-Ch’ing, Dương gia, Vũ gia, Karate, Arní, Akido, Vĩnh Xuân, và không hề truyền bá [cho TCQ]. Họ đều tiếp tục tập luyện môn võ của mình – không hề có chuyện truyền bá môn phái. Tôi cho rằng những người đến các khoá học của tôi – và đã có rất nhiều người đến – không hề bị ảnh hưởng bởi lời nói xuông: họ đạt kết quả, và kết quả đúng như sách vở từ trước đến nay vẫn nói đến. Nhiều người tham gia một khoá học, quay về tự tập một cách điên cuồng và thậm chí không nghĩ gì đến tôi nữa. Cho nên đây không phải là chuyện truyền đạo, không có đấng cứu thế nào cả. [khoá học cuả tôi] giống như nói chuyện ở cửa hàng hơn: tôi giới thiệu công dụng, họ thấy rằng [phương pháp này] có kết quả, và họ tự thực hiện.

Tất cả học viên có tiếp nhận được ở mức độ như nhau không?

Theo kinh nghiệm của tôi, những người học tốt nhất thường là người Trung Quốc hoặc gôc Trung Quốc, đã có căn bản về võ và kiến thức về lịch sử, không bị lẫn lộn bởi những vấn đề ngoài lề. Họ hiểu bản chất vấn đề và tiếp cận nó một cách logic, nên họ thường là khá nhất. Tiếp theo là những người có khả năng điều khiển cơ thể tốt, nhưng chưa tập võ thuật. Những người khác đều ít nhiều gặp vấn đề xoá bỏ những thói quen đã tập lâu ngày, đó là một phần lý do người ta nói “TCQ dễ tập nhưng khó sửa”.

Nói chung, trong một khoá học tôi chỉ ra phương pháp tập luyện/ vận động. Người học đều có thể thực hành nó: không thể chối cãi là phương pháp này có hiệu quả. Về lý mà nói, như vậy hoặc đây là phương pháp chân chính, hoặc tôi đã nghĩ ra một phương pháp thứ ba hoàn toàn mới, nhưng tôi không phải thiên tài. Tóm lại, tôi trình bày nhưng không nói chuyện riêng nhiều với ai. Một số người hiểu được: họ nhận ra là mình đã lãng phí thời gian từ trước đến nay. Chính tôi đã lãng phí nhiều thời gian: có lúc tôi chợt nhận ra là dù mình múa quyền đẹp đến mấy, học thôi thủ và những thứ như vậy, thực ra tôi chưa hề thực sự tập TCQ. Tôi đã phải dừng lại và quay lại từ đầu. Vì vậy mà tôi không dạy một lớp TCQ nào ở ngay địa phương: tôi nhận ra rằng mình không hiểu đủ về TCQ để dạy, và quyết định bỏ thời gian ra để học lại. Nhưng nói chung phần lớn những người đã tập TCQ một thời gian dài sẽ không chịu thay đổi.

Quá nhiều công sức bỏ ra cho những gì họ đã có?

Chính xác. Nhiều khi còn có nhiều thứ khác phụ thuộc: địa vị, tự ái, và nhiều khi cả lý do kinh tế: đây có thể là một nửa thu nhập của họ chẳng hạn. Vì vậy tôi không nhận xét nhiều: tôi chỉ ra mọi thứ, và họ dùng nó theo cách họ muốn.

Vì sao những thứ này không được biết đến nhiều hơn ở phương Tây?

Vấn đề là lượng kiến thức có được ở phương Tây là khá ít, và rất nhiều người [Trung Quốc] ở phương Tây thực ra cũng không được học hành tử tế. Nhiều khi vì họ là người Trung Quốc, người ta nghĩ là họ hiểu biết, nhưng nhiều khi không đúng như vậy. Chính việc này làm mọi việc mù mờ và khiến cho TCQ cũng như các môn nội gia quyền khác kém phát triển hơn là mọi người lầm tưởng. Ta thường nghe ai đó nói là đã dạy được 20 năm, nhưng nếu họ không biết gì thì 20 năm cũng không nói lên điều gì. Điều này đúng với cả người Trung Quốc và người phương Tây: chỉ vì ai đó là người Trung Quốc, hoặc đã học từ một ông thầy nhất định, không có nghĩa là họ hiểu. Những kiến thức này được giữ tương đối kín.

Ông luôn nhấn mạnh đến kết quả, nhưng làm sao phân biết giữa kết quả đúng và kết quả sai?

Cũng như mọi thứ khác, bạn cần một người thầy tốt, mà không chắc người thầy hiện tại của bạn đã tốt. Nếu tôi phải kiểm tra lại những gì mình nghĩ là mục tiêu và kết quả đúng, tôi sẽ – và đã thực sự làm như vậy – tìm đến một người Trung Quốc được công nhận là bậc thầy ở đại lục Trung Quốc.

Làm cách nào để đánh giá khả năng của một ông thầy?

Có một cách khá đơn giản để xem một người đã tập nội gia quyền hay chưa: bảo họ để nắm đấm hay bàn tay lên ngực bạn, và đánh mà không cần xoay hông hay vai. Cách này không bảo đảm 100%, nhưng là một dấu hiệu khá tốt: nếu người đó có khả năng, họ sẽ làm được một cách dễ dàng. Nếu không làm được, họ không nên đi dậy: đây là một “bài thử thầy giáo” đơn giản.

Ngoài ra, không nên chỉ đánh giá qua khả năng của những người khá to lớn.Như một vài người thầy khác, tôi khá to lớn, nhưng như vậy không chứng tỏ được điều gì. Một người thầy phải được đánh giá qua học trò bé nhỏ nhất của họ. Tôi đã hướng dẫn một người chỉ nặng có 135 pound (60 kg) nhưng có thể đánh mạnh đến mức tôi không bao giờ muốn bị đánh nữa, bởi vì tôi không muốn bị chấn thương. Và với một người nặng 60 kg, khả năng đó phần lớn là do tập luyện.

Một số người có thể nói “nếu không ứng dụng chiến đấu được thì không phải TCQ thực sự”. Một số người khác lại coi các vấn đề đường dẫn lực, Kình, và nói “đó là dành cho chiến đấu, và không cần thiết nếu chỉ dùng cho dưỡng sinh”.

Có nhiều phát biểu của Ma Yueh Liang, Feng ZhiQiang, Chen Fa Ke, Yang Zhen Duo và những người khác, nhìn chung tất cả đều nói rằng 99% của TCQ là Bằng kình. Nếu bạn không hiểu Bằng kình, và không biết cách thực hiện nó trong tất cả các cử động của mình, bạn không tập nội gia quyền: đó không phải là TCQ, bất kể là có chiến đấu được hay không. Nên trừ phi bạn hiểu và sử dụng được Kình cơ bản, dù là cho dưỡng sinh – bản thân tôi cũng không quan tâm nhiều đến chiến đấu – hay là võ thuật, bạn không có TCQ. Vì vậy sử dụng Kình không phải là để đánh giá vấn đề võ thuật, mà là để đánh giá đây có phải là nội gia quyền hay không. Nếu bạn không biết dùng Kình, hoặc không dùng Kình trong mọi trường hợp, thì dù có đi quyền đẹp, bạn cũng không hiểu nội gia quyền.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *