Quyền ý thuật chân 2 – Hình ý quyền tiểu truyện

Tác giả: Tôn Lộc Đường

Biên dịch: Mr. Nguyễn Hoàng Quân

(Ảnh từ internet)

Hình Ý Quyền tiểu truyện

  1. Lý Năng Nhiên

Lý tiên sinh tên húy là Phi Vũ, tự là Năng Nhiên, người đời gọi là “Lão Năng”, “Lạc Năng” hay “Lạc Nông” hoặc “Lão Nông tiên sinh”, là người huyện Thương. Ông là người thích võ nghệ, làm ăn buôn bán ở Thái Cốc, Sơn Tây. Nghe nói ở biên giới huyện có tiên sinh Đới Long Bang thì đến thăm. Sau khi gặp mặt chào hỏi, thấy Long Bang nói năng rất nho nhã, không giống người giỏi võ nghệ. Trong lòng thấy lạ, ông từ biệt ra về. Về sau, ông nhờ người giới thiệu và bái Đới tiên sinh làm sư phụ. Lúc đó ông đã ba mươi bẩy tuổi. Từ khi được dạy quyền, ông ngày đêm chăm chỉ luyện tập; sau thời gian hai năm, ông được học một hành của ngũ hành quyền và một nửa đoạn liên hoàn quyền. Tuy được học không nhiều, nhưng trong lòng không đòi hỏi, ông vẫn thành tâm luyện tập liên tục không ngừng. Năm đó, mẹ của Long Bang tiên sinh tám mươi tuổi, tiên sinh tổ chức mừng thọ. Long Bang mời bạn bè thân hữu và môn sinh đến nhà khách. Sau khi chúc thọ, hội võ thuật luyện tập trong phúc đường, mọi người đều mang hết những gì được học ra biểu diễn. Chỉ có Lý tiên sinh là tập một nửa đoạn quyền. Mẹ của Long Bang là người yêu võ thuật, thông thạo lý luận và các phương pháp luyện tập Hình Ý Quyền , hỏi Lý tiên sinh: “Tại sao liên hoàn quyền chỉ tập một nửa?”, ông đáp: “Mới chỉ học được thế thôi ạ”. Mẹ Long Bang quay sang bảo Long Bang: “Người này học đã hai năm, dậy quá ít. Xem ra là người trung thành, thật thà, có thể đem đạo lý dụng tâm dạy bảo”. Long Bang tiên sinh là người có hiếu, lại nghe mẹ dạy bảo vậy, thì đem hết mọi điều tâm đắc truyền dạy cho Lý tiên sinh.  Ông tận tâm luyên tập. Năm bốn mươi bẩy tuổi công phu của ông đạt tới đại thành. Đạo lý của Hình Ý Quyền không chỗ nào không đạt. Mỗi khi cùng người so tài ông đều có thể tùy tâm sở dục, thủ đáo công thành. Thời ấy giờ, tên tuổi của Lý tiên sinh khắp mấy tỉnh phía Bắc không ai không biết. Môn đồ của ông có: Quách Vân Thâm, Bạch Tây Viên, Lý Thái Hòa, Xa Nghị Trai, Tống Thế Vinh và một số vị tiên sinh khác. Từ đó danh tiếng của ông càng nổi, đạo lý càng thâm sâu. Võ thuật của ông đạt tới cảnh giới đó cực cao. Nhiều người có sức khỏe hơn người, giỏi võ nghệ, khi cùng ông so tài, đều bái phục tài nghệ của ông. Có một người muốn so tài, nhưng vì thái độ thân thiện của ông nên khó mở lời. Một hôm, khi ông đang nói chuyện bình thường trong phòng, mà không ngờ có người muốn thử tài, nên không có ý phòng bị. Người kia nhằm lúc ông không để ý, định từ sau ôm lấy ông và dùng sức nâng lên, nhưng khi vừa duỗi tay thì thì cả người bị bắn lên, đầu chạm trần nhà, rơi xuống hai chân đứng bình thường mà không bị nghiêng ngả. Người đó nghi ngờ Lý tiên sinh có ma thuật. Ông nói: “Đó không phải là ma thuật! Môn võ này, khi đạt tới công phu thượng tầng thần hóa, thì có thể không nghe, không nhìn mà biết. Việc thần diệu như vậy thì ông không hiểu được đâu”. Người cùng thời gọi Lý tiên sinh là: Thần quyền Lý Lạc Năng. Năm hơn tám mươi tuổi, tiên sinh ngồi thẳng trên ghế, mỉm cười rồi mất.

  • Quách Vân Thâm

Quách tiên sinh húy là Dục Sinh, tự Vân Thâm, là người trang Mã, huyện Thâm, tỉnh Hà Bắc. Từ nhỏ ông đã yêu thích võ thuật, tập luyện một số năm nhưng không đạt. Về sau gặp Lý Lạc Năng tiên sinh, được nghe nói về Hình Ý Quyền có hình thức tuy đơn giản mà đạo lý thì thâm diệu, thì ông vô sùng ái mộ. Năng tiên sinh thấy ông thành tâm, bèn thu làm môn hạ, khẩu truyền thân thụ. Ông được truyền dạy thì tâm trí hiểu biết, ngày đêm luyện tập suốt mười năm. Năng tiên sinh truyền thụ thủ pháp, khi hai người đối luyện, bất chợt thân thể đối phương bị ngã văng ra hơn hai trượng mà không cảm thấy đau, chỉ thấy mình nhẹ nhàng bị cuốn bay đi. Ông được Năng tiên sinh truyền cho quyền thuật gồm ba tầng đạo lý, với qui củ thể dụng pháp thuật ảo diệu, cùng kiếm, đao, côn thuật tinh xảo, không có chỗ nào không đạt tới cực tinh diệu. Quách tiên sinh thường đi chơi các tỉnh, cùng đồng đạo Nam Bắc giao du cực rộng và nhiều kinh nghiệm. Tiên sinh cũng thích thử tài nghệ, có lần ông cho năm người khỏe mạnh đứng vững, cầm côn gỗ chống vào bụng ông. Khi tiên sinh vừa căng bụng lên thì cả năm người đều bị đẩy bay ra hơn một trượng, ngã ngồi xuống. Khi luyện Hổ hình quyền, thân thể nhẩy lên một cái đã xa ngoài ba trượng; đạo lý mà tiên sinh luyện tập là bụng cực thực mà tâm cực hư. Hình thức thần khí trầm trọng như núi Thái sơn, động tác của thân thể nhẹ nhàng như chim bay. Do đó mà khi gặp việc bất trắc, chỉ cần tai nghe thấy, mắt nhìn thấy thì bất luận là vật gì, dù đến nhanh mạnh thế nào, tùy thời mà thân thể đều có thể tránh né. Tiên sinh tinh thông binh thư, giỏi Kỳ môn, viết quyển “Giải thuyết Hình Ý Quyền kinh” sưu tầm và giải thích rõ ràng Hình Ý Quyền , sách bị mất cắp mà chưa kịp xuất bản, hiện nay không biết ở đâu. Sách là tâm nguyện của ông giành cho lớp hậu học, tiếc rằng bị rơi vào quên lãng. Tiên sinh là bậc kỳ tài, nhưng không gặp thời, dạy nhiều người ở mấy tỉnh phía Bắc, sau về ở ẩn ở làng quê, thọ hơn bẩy mươi tuổi.

  • Lưu Kỳ Lan

Tiên sinh Lưu Kỳ Lan là người huyện Thâm. Do yêu thích võ thuật nên bái tiên sinh Lý Lạc Năng làm thầy để học Hình Ý Quyền . Lưu tiên sinh ẩn cư nơi thôn dã, dạy môn đồ, liên hệ với các phái và không có thành kiến môn hộ. Người mới gặp ông thường tưởng nhầm là học trò. Tiên sinh thọ hơn bẩy mười tuồi. Đệ tử có ba người võ nghệ giỏi nhất là: Lý Tồn Nghĩa, Cảnh Thành Tín, Chu Minh Thái. Con tiên sinh là Điện Thần, viết “Hình Ý Quyền quyết vi”, kế tục con đường tiên sinh.

  • Tống Thế Vinh

Tống Thế Vinh tiên sinh là người Uyển Bình, thích kịch Côn Khúc, cờ vây và quyền thuật. Ông mở tiệm đồng hồ ở Thái Cốc, Sơn Tây. Nghe tiếng Lý Lạc Năng tiên sinh là người có quyền thuật siêu việt, nổi danh đương thời, ông bèn nhờ người giới thiệu, xin làm môn hạ. Từ khi được truyền thụ quyền thuật, ông ngày đêm không ngừng chăm chỉ luyện tập. Ông được học hết mức xảo diệu của Ngũ Hành Quyền và mười hai hình. Trong mười hai hình, khi luyện Xà hình, sử dụng được hết tính năng của con rắn, quay thân sang trái, tay phải có thể nắm gót chân phải. Khi quay sang phải, tay trái lại có thể nắm gót chân trái. Lùi thân dừng thế thì thân mình như con rắn. Bắt đầu đi quyền thì thân thể chuyển động gấp khúc như rắn bò ngoằn ngoèo. Khi luyện Yến hình (chim yến – ND), thân hình sát đất, có thể chui qua ghế ngồi, đi xa cả trượng. Thức đó gọi là “Yến Tử Sao Thủy” (chim yến vợt nước – ND). Luyện “Linh Miêu Thượng Thụ” (mèo khôn trèo cây – ND), khi nhảy lên, hai chân và hai tay dùng chạm vào tường, có thể dính lâu đến một, hai phút. Lúc bấy giờ, đồng môn đồng đạo và người ngoài đứng xem rất đông. Hiện nay tiên sinh Tằng Thân Đổ vẫn luyện các kỹ năng của các thức này. Tống tiên sinh rất giỏi bắt chước tự nhiên. Khi có thể luyện tập hết các tính năng, thì chuyển sang luyện thần. Có người diễn viên quen biết với tiên sinh kể lại việc khi ở thành Quy Hóa ông may mắn được xem tiên sinh luyện tập: hai người đứng cách nhau khoảng một trượng, người kia vươn thân lên, duỗi tay ra, lập tức thân nhanh như mũi tên, nhẩy cao hơn một trượng, tiên sinh không chút động đậy, chỉ thấy hai tay của người kia đã bị hóa giải. Khi ngoài hai mươi tuổi, tôi ở cùng chỗ Bạch Tây Viên tiên sinh, trên con đường nhỏ ở Bắc Kinh, đối diện là nhà một người diễn viên và tôi được nghe ông ta kể với Bạch tiên sinh như vậy. Tháng một năm Dân Quốc thứ mười hai, một người đồng môn đến Thái Cốc thăm Tống tiên sinh. Lúc đó tiên sinh đã ngoài tám mươi, nhưng tinh thần tráng kiện, cơ thể vẫn linh động như thời trẻ. Người ấy về và kể rằng: “Khi tiên sinh nói về quyền thuật vẫn vô cùng thích thú, miệng nói lý lẽ, thân làm động tác, quên cả tuổi tác, người khỏe mạnh cũng không được vậy”.

  • Xa Nghị Trai

Xa tiên sinh, Vĩnh Hoành, tự là Nghị Trai (1833—1914), là người huyện Thái Cốc, tỉnh Sơn Tây. Gia đình khá giả. Xa tiên sinh học Hình Ý Quyền của thầy Lý Lạc Năng. Từ khi đạt Đạo, tiên sinh coi phú quí như phù vân, ẩn cư nơi thôn dã, dậy rất đông học trò. Trong số những người học thành tài, tiên sinh Kiều Cẩm Đường (1875-1956), người huyện Kỳ, tỉnh Sơn Tây là giỏi nhất.

  • Trương Thụ Đức

Trương tiên sinh, tự Thụ Đức là người Kỳ Châu. Từ bé tiên sinh đã ham thích võ thuật nên bái Lý Lạc Năng tiên sinh làm thầy. Luyện các thuật đánh quyền, kiếm, đao, thương, hợp thành một khí, lấy quyền làm kiếm, lấy kiếm làm quyền, cực giỏi dùng côn. Những người đến thử tài côn pháp với ông đều thất bại. Tiên sinh ẩn cư nơi thôn dã, dậy rất động học trò. Rất nhiều học trò đã học được kỹ thuật của tiên sinh. Tiên sinh thọ hơn tám mươi tuổi.

  • Lưu Hiểu Lan

Lưu Hiểu Lan tiên sinh (1821~1906),là người huyện Hà Gian. Từ bé ông đã yêu thích võ thuật và học Bát cực quyền đến mức công lực cực thuần thục. Sau bái Lý Lạc Năng làm thầy, nghiên cứu Hình Ý Quyền , dậy học và là người có đông học trò giỏi nhất. Tiên sinh về già vẫn khỏe mạnh, tinh tường.

  • Lý Kính Trai

Lý Kính Trai tiên sinh là người huyện An. Tiên sinh làm nghề dạy học, tính thích võ thuật. Năm sáu mươi ba tuổi, tiên sinh bái Lý Năng Nhiên làm thầy. Tiên sinh quan hệ với tiên sinh Quách Vân Thâm lâu nhất, nghiên cứu quyền thuật, luyện tập đến hơn bẩy mươi tuổi, hiểu được nhiều đạo lý ảo diệu của quyền thuật, động tác vẫn khinh linh như thời trẻ. Tiên sinh nói: “Đến nay mới biết đạo lý của quyền thuật và Nho học song hành với nhau và nhập thành một”. Lý tiên sinh thọ hơn tám mươi tuổi.

  • Lý Tồn Nghĩa

Tiên sinh Lý Tồn Nghĩa, tự Trung Nguyên, là người huyện Thẩm Quyến. Ông là người trượng nghĩa khinh tài, yêu võ thuật, khi bé học đoản trường quyền, lớn lên bái Lưu Kỳ Lan tiên sinh làm thầy, học Hình Ý Quyền , luyện tập mấy chục năm. Ông làm nghề bảo tiêu hộ vệ, đi qua lại các tỉnh. Trên đường đi, nếu gặp đạo tặc, tiên sinh tay cầm đơn đao, đạo tặc không dám tiến, hoặc do nghe danh tiếng ông nghĩa khí hơn người nên chúng tránh mặt. Người ta gọi tiên sinh là “Đơn đao Lý”. Năm Dân Quốc thứ nhất sáng lập Hội Võ Sỹ tại Thiên Tân, tại đó tiên sinh dạy dỗ môn đồ không mệt mỏi, thọ hơn bẩy mươi hai tuổi.

  1. Điền Tĩnh Kiệt

Điền Tĩnh Kiệt tiên sinh là người huyên Nhiêu Dương. Yêu võ thuật nên bái Lưu Kỳ Lan tiên sinh làm thầy. Ông làm bảo tiêu, hộ viện lâu năm. Trong đời tiên sinh gặp lắm chuyện lạ, tiếc là tôi không nhớ hết để kể. Tiên sinh thọ hơn bẩy mươi tuổi.

  1. Lý Khuê Hằng

Lý tiên sinh, tên húy là Điện Anh, tự là Khuê Hằng, là người điếm Sơn Hậu, thôn Thượng, huyện Lai Thủy. Từ bé, tiên sinh thích đọc sách, giỏi viết chữ Khải nhỏ, thích võ thuật, theo Dịch Châu Hứa học Đàn Thối, Bát Cực Quyền… công lực cực thuần thục, sức mạnh cũng cực lớn. Thời tráng niên, ông làm bảo tiêu có danh vọng rất lớn. Ông thường thắng trong các trận đấu võ. Sau đấu với Quách Vân Thâm tiên sinh. Lý tiên sinh rất giỏi dùng chân, nhưng khi ông cất chân lên thi chỉ thấy Quách tiên sinh khoa tay một cái, Lý tiên sinh lập tức bị bay qua chiếc ghế ở sau lưng ra xa hơn hai trượng, rồi ngã xuống đất. Ông ngồi dậy tạ tội và xin làm môn hạ của Quách tiên sinh. Lý tiên sinh cung phụng Quách tiên sinh như con với cha. Được Quách Vân Thâm dạy cho mấy năm, Lý tiên sinh ngày đêm luyện tập, đem những đạo lý được dạy, luyện tập tới mức biểu lý đạt đến độ tinh vi, không có chỗ nào không đạt đến cùng. Ngoài những khi thọ giáo Quách tiên sinh, những chỗ nào kỹ thuật chưa đạt tới thâm diệu, sau khi tự đạt đạo lý, ông đều ghi chép lại, không dễ nói về quyền thuật. Ngoài theo hầu Quách Vân Thâm tiên sinh học quyền thuật. Lý tiên sinh không dễ dàng nói chuyện quyền thuật với người khác, mà chăm chỉ tập luyện, người ngoài không hề biết. Lý tiên sinh thọ ngoài bẩy mươi tuổi.

  1. Cảnh Thành Tín

Tiên sinh Cảnh Kế Thiện, tự là Thành Tín, người huyện Thâm. Ông thích quyền thuật nên bái Lưu Kỳ Lan tiên sinh làm thầy, học Hình Ý Quyền . Ông ẩn cư ở nơi thôn dã, lấy Đạo làm niềm vui, truyền thụ cho rất đông người. Khi tiên sinh ngoài bẩy mươi hai tuổi, thân thể vẫn khinh linh như lúc trẻ.

  1. Chu Minh Thái

Tiên sinh là người huyện Nhiêu Dương. Khi còn bé, ông ở nhà Lưu Kỳ Lan tiên sinh làm thư đồng, sau bái Lưu Kỳ Lan tiên sinh làm thầy, học Hình Ý Quyền . Sau khi học Hình Ý Quyền , ông làm bảo tiêu và dậy rất nhiều môn đệ. Tiên sinh thọ ngoài sáu mươi tuổi.

  1. Hứa Chiếm Ngao

Hứa Chiếm Ngao tiên sinh, tự Bằng Trình là người huyện Định. Lúc nhỏ, gia đình khá giả, ông được đọc sách, thạo thư pháp, thích tìm hiểu, luyện tập Trường Quyền, đao, côn, kiếm thuật. thân thể nhẹ nhàng như chim bay, nên người đời gọi là “Tái Phi”. Sau bái Quách Vân Thâm tiên sinh là thầy, học Hình Ý Quyền . Tiên sinh có nhiều học trò và thọ ngoài sáu mươi tuổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *