Tương hỗ giữa thái cực quyền và thiền

Tác giả: Thu Hằng

Chị Thu Hằng là Giáo viên, Họa sỹ, Hướng đạo sinh lâu năm, và là học viên, thành viên tích cực, lâu năm của Võ đường Thái cực nội gia quyền. Bài viết này có thể nói là trải nghiệm và thành tựu của chị trên con đường luyện tập Thái cực quyền và Thiền.

Nhiều người tập Thái cực quyền ít hoặc không chú trọng “nội luyện tinh khí thần” bằng cách nội thị, nội thính, nội cảm, từ đó dụng ý, khí… nên hiệu quả luyện tập chưa cao. Hy vọng qua bài viết này của chị Thu Hằng, các bạn sẽ chú trọng hơn phần nội luyện mang tính Thiền trong Thái cực quyền.

Mr. Nguyễn Hoàng Quân.

Anh Phạm Minh Thắng hướng dẫn Sói tập Thái cực quyền tại Võ đường Thái cực nội gia quyền, 50 Liễu giai

Tương hỗ giữa thái cực quyền và thiền | Facebook


Nguyên văn bài viết của chị Thu Hằng:
Tương hỗ giữa thái cực quyền và thiền
23 tháng 1 ·
Công khai Bài Thu Hằng mới viết, các sư phụ, anh em ném đá nhẹ tay.
Rất nhiều người viết “thái cực quyền là một dạng thiền động”. Nhưng để hiểu được điều đó phải trải qua luyện tập cả thái cực quyền lẫn thiền ở một mức độ nhất định.
Thái cực quyền là một môn võ thuật cổ truyền của người Trung Hoa. Do tính dưỡng sinh mà thái cực quyền đã phổ biến trên khắp thế giới và được nhiều người cho đó như một hình thức luyện tập nâng cao sức khỏe. Nhưng tập nó như một môn thể dục thì đã vô tình tầm thường hóa một môn võ thuật đầy tính triết lý như thái cực quyền. Không mấy ai muốn chiến đấu lại đi học thái cực quyền bởi nó quá khó, rất nhiều người đã phải bỏ cuộc khi mới ở giai đoạn bắt đầu. Quả thật thái cực quyền khó, nhưng khó không phải chỉ do người tập mà còn do người hướng dẫn chưa tìm được cách truyền đạt thích hợp đến mỗi người tập.
Để tập thái cực quyền tốt, người tập nên học và thực hành thiền quán. Trước hết là để tĩnh tâm khi tập thái cực quyền. Sau để tập quan sát hơi thở, quán đan điền, quán thân… Về điểm này thiền sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc luyện tập thái cực quyền của bạn. Khi tập thái cực quyền nhất thiết phải loại bỏ đi tạp niệm, hoàn toàn chú tâm vào ý và các vận động của thân. Mỗi cử động của cơ thể đều là kết quả của một loạt các hoạt động bên trong. Bắt đầu từ ý đến sự phối hợp của toàn bộ các khớp xương, bắp thịt, từng sợi gân. Theo dõi sự chuyển động tròn trịa, liên hoàn của cơ thể của một thế trong thái cực quyền và theo dõi thân trong thiền quán có đôi chút giống nhau. Người luyện thái cực quyền di chuyển (chuyển động nội thân) rất chậm chính nhằm mục đích lắng nghe từng chuyển động tinh tế trong thân ấy và làm chủ nó. Không phải để đánh nhau mà lờ rờ vậy ăn no đòn. Người tập đi thiền cũng thế, đi chậm để tập quán từng cử động của chân, của thân, tập chánh niệm chứ không phải thiền sinh là phải “sẩm sờ” một cách lười nhác. Làm ơn quán triệt giùm nếu bạn đang nghĩ sai về chúng. Để có thể làm như thế cơ thể phải đạt được sự “lỏng”. Lỏng là một trạng thái mà các học viên tập thái cực quyền thường nhắc tới và dày công luyện tập để có nó. Muốn vậy, cơ thể phải được thông suốt, mềm mại không cứng tắc bất cứ chỗ nào. Nếu cơ thể còn chưa đủ “lỏng”, đừng nói chuyện thái cực quyền và càng đừng nói đến thiền.
Để trở thành một người hướng dẫn thái cực quyền rất khó, khó như con đường trở thành một thiền sư vậy. Người hướng dẫn phải thấu hiểu từng đối tượng để tìm ra các cách tiếp cận khác nhau nhằm nâng cao trình độ khả năng của học viên. Luyện thái cực quyền và thiền quán cũng có nhiều cách tùy thuộc vào xuất phát điểm của từng người. Hai người thày ấy đều phải hiểu những sở trường sở đoản của mỗi học viên để tránh tình trạng chấn thương trong thái cực quyền hay “tẩu hỏa nhập ma” trong thiền. Chớ nhiệt tình hướng dẫn người khác khi mới chỉ sơ cơ dăm ba ngón nghề mà hậu quả cho học viên sửa chữa không kịp.

Người luyện tập cũng cần biết rõ mình thế nào mới có thể làm mình hôm nay tốt hơn hôm qua. Nếu cứ nhắm mắt tập theo sự hướng dẫn chung mà thiếu quan sát bản thân thì thái cực quyền 10 năm tập cũng chỉ là tập thể dục, và 10 năm thiền ngồi cũng chỉ là ngủ nghỉ mà thôi.
Trong hình là người viết bài này đang hướng dẫn tập khí công tại một sự kiện trong chương trình “Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường”. Khí công thì dễ hơn cả hai thứ rắc rối trên. Nếu bạn muốn tập, gõ lên Youtube “Khí công chưởng tâm pháp” nghe sư phụ Lê Hữu Quế hướng dẫn. Tập cái gì cũng nên có thày, có bạn. Nhiều người lọ mọ thành công họ hô hào lên ai ai cũng thấy, nhưng rất nhiều người lọ mọ thất bại im lặng chịu trận thì chẳng ai hay. Cái gì dễ dễ thì mình hướng dẫn tốt 😀 nhé.
Hãy sống khỏe mạnh mỗi ngày! Dưới là ảnh Sói con tập thái cực quyền.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *